Flow - Dòng chảy phát triển sản phẩm

Điều gì là thách thức lớn nhất đối với một Product manager trong quá trình phát triển một sản phẩm digital hiện nay? Hàng tá các hạng mục cần sắp xếp và giải quyết luôn chờ đợi họ mỗi ngày. Những giấc ngủ hàng đêm luôn trăn trở “Ngày mai sẽ làm gì nhỉ”. Điều này còn “kinh khủng” hơn là “Mình còn công việc nào chưa hoàn thành?”.

Trải qua hơn 2 năm trong vai trò Tư vấn sản phẩm cho start-up Ready, tôi có một số chiêm nghiệm cũng như một đúc kết này nhằm hạn chế “đêm dài lắm mộng”.

Trò chơi ra quyết định

Trong phát triển sản phẩm, đúng hay sai luôn có tính tương đối, chỉ có sự phù hợp và hiệu quả. Bên cạnh đó, nguồn lực cũng như chiến lược ban đầu không cho phép bạn lựa chọn và chờ đợi, bạn phải ra quyết định: sớm nhất, tốt nhất và hiệu quả nhất.

Decision making wall text
Decision-making game
Với xu hướng phát triển với tốc độ như hiện nay, có 2 "thách thức" nổi bật chính đối với các nhà phát triển sản phẩm:

- Phải cung cấp các chức năng mới cho khách hàng trong khung thời gian ngày càng ngắn hơn vì thế giới đang chuyển động nhanh hơn bao giờ hết, được hỗ trợ bởi công nghệ mới và cách làm việc mới.

- Chỉ những sản phẩm tốt nhất về mọi mặt mới tồn tại được. Khi nằm ngoài "thương trường" đầy cạnh tranh, sản phẩm của bạn sẵn sàng bị thanh thế bởi đối thủ không những về tính năng, hiệu suất mà còn là những điểm cốt lõi trong trải nghiệm.

Đây là cuộc chơi về Tốc độChất lượng, bạn phải quyết định nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Prioritization matrix

Prioritization Matrix. Công cụ hiệu quả mà tôi thường vận dụng trong team, nhờ đó nhanh chóng phân loai ưu tiên các hạng mục cần giải quyết.


Trong blog The ultimate goal - Mục tiêu tối thượng tôi có đề cập đến cuốn sách “Think Fast and Flow” nói về 2 Con người (1-Subconscious và 2-Conscious) trong tâm trí chúng ta tác động đến khả năng ra quyết định. Dưới áp lực thời gian luôn đè nặng, bản năng tự nhiên Con người 1 luôn được sử dụng và thúc đẩy chúng ta luôn luôn lựa chọn những phương án an toàn về thời gian, tốc độ. Vô hình chung dẫn đến một lối mòn tư duy kèm theo hệ quả là những thành quả không có gì mới mẻ và đột phá.

Bạn có thể “gieo đồng xu”, sử dụng phương pháp “chuyên gia”, so sánh đối thủ và chọn ra điểm khác biệt. Rốt cuộc cũng đều nhằm thuyết phục với các stakholder đâu là yếu tố tiềm năng, cơ hội cũng như “phần thưởng” xứng đáng nếu team bỏ công sức để giải quyết vấn đề đó-cho dù chỉ đơn giản là sửa từng câu chữ nhỏ nhặt. Công đoạn này cứ lặp đi lặp lại nếu thuyết phục được các stakeholder. Và tôi gọi đó là Flow trong phát triển sản phẩm. Một flow tốt không chỉ work trong ngắn hạn mà phải thực sự work trong dài hạn, nếu không sẽ rất dễ dẫn đến hiện tượng “Boiling the frog”.

Flow - Dòng chảy phát triển sản phẩm

Flow Cũng như mọi mục tiêu của các framework phát triển sản phẩm, mọi hành động và suy nghĩ đều hướng đến những thành quả trong dài hạn mà doanh nghiệp mong muốn.

Làm thế nào xây dựng Flow mà ở đó giúp hoạt động phát triển sản phẩm của team được bền vững, liên tục mà thoả mãn:

  • Có năng lực ra quyết định nhanh và hiệu quả cao
  • Giá trị thành quả có tính đột phá về lâu dài
  • Thích ứng trong mọi tình huống biến động và thay đổi nhanh
  • Nội tại của team được phát triển về kiến thức, năng lực phù hợp cho công việc cũng như sự nghiệp cá nhân. Điều đó làm đòn bẩy cho những ý tưởng đột phá và tính hiệu quả thay vì các yếu tố năng suất, nhân lực cũng như vật lực.

Xây dựng văn hoá ra quyết định dựa trên giả thuyết

Trong cuốn The Lean Startup của tác giả Eric Ries có định nghĩa về một công ty hay một ý tưởng cũng như một mô hình kinh doanh khởi nghiệp thực sự phải được xây dựng trên một nền tảng không chắc chắn. Bạn không cần quá ngạc nhiên nếu thực sự đọc kĩ các phân tích và biện luận từ cuốn sách. Ví dụ, nếu bạn muốn mở một tiệm cafe ở một con phố nhiều tiệm “cafe” (đối thủ cạnh tranh của bạn) mà ở đó bạn tập trung bán cafe để thu lợi nhuận, thì đó không phải là Startup mà chỉ đơn thuần là kinh doanh. Bởi đơn giản business model đó rất phổ biến, nó dễ dàng được đóng khung về cách tính chi phí, năng lực kinh doanh cũng như quy mô khai thác. Thành công của bạn luôn bị giới hạn hoặc tăng trưởng một cách tuyến tính. Trong khi đó, đường cong giá trị thành công từ những ý tưởng đột phá luôn theo quy luật hàm mũ.

Lưu ý, không nên nhầm lẫn “không chắc chắn” với yếu tố “may mắn”, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều startup đổ tiền đầu tư và phát triển như đánh bạc (hơn 90% các startup đều thất bại sau 2-3 năm). Vì bắt đầu với sự “không chắc chắn” nên mọi quyết định từ team phát triển hiển nhiên đều là những giả định thiếu chắc chắn. Tuy nhiên team hoàn toàn có thể tự tin chứng thực điều đó nếu nghiêm túc xây dựng các công cụ đo lường và giám sát kết quả, điều chỉnh và kịp thời thay vì chờ đợi sự hoàn hảo của một “cái kết thất bại”.

“A problem well stated is a problem half-solved”. Charles Kettering.

Đáp án đúng cho một đề bài sai thì chắc chắc là một đáp án sai. Một giả thuyết tốt (xem thêm về HMW questions) là một đề bài tạo ra sự định hướng cho việc tập trung nguồn lực, có mức độ thách thức đủ để kích hoạt “năng lực” giải quyết của team có sự đột phá, tối ưu và tương thích nhất.

Hill

Hill. Cấu trúc của một giả thuyết tốt gồm 3 phần: Why-What-Wow.

Hạn chế các ý kiến bị thiên kiến (bias)

Trong trò chơi ra quyết định, cần sự tỉnh táo và sáng suốt, vì thế Con người 2 trong bộ não nên được tạo điều kiện và phát huy, mặc dù nó đòi hỏi bạn phải nỗ lực tính toán kĩ càng, đôi khi bị cho là overthinking một chút. Một team có năng lực Tư duy phản biện tốt sẽ thích hợp cho điều này. Góc nhìn đa chiều sẽ giúp team nhìn ra Sự thật tốt hơn. Về mặt tâm lý học, con người hầu hết bị chi phối bởi các thiên kiến nhận thức (bias), đó chính là vì Con người 1 hầu như được chúng ta sử dụng (95% các quyết định của não bộ là vô thức), bộ não dễ dàng “lười” xử lý thông tin hơn-về mặt tích cực thì điều này hoàn toàn có lợi trong sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày cũng như trong một vài tình huống nguy cấp. Các quyết định thiên kiến phổ biến thường gặp trong quá trình phát triển sản phẩm:

  • Cognitive Bias
  • Survivorship Bias
  • Confirmation Bias
  • Experience Bias
  • Framing Bias

See more Cognitive Bias

Rất khó để kiểm soát và khắc phục những “điểm yếu” mang tính thâm căn cố đế như vậy. Nhưng chúng ta có thể giảm thiểu cũng như khống chế những điều đó xảy ra bằng cách xây dựng một môi trường có tính mở cho tất cả mọi người. Đưa ra những quan điểm mở (open-ended) thay cho những quan điểm đóng khung/quy chụp (close-ended). Khuyến khích và xây dựng các hoạt Phản hồi-Lắng nghe không chỉ trong công việc nội bộ mà cả trong việc xây dựng mối quan hệ sản phẩm với khách hàng, đối tác, … Những thay đổi nhỏ lặp đi lặp lại sẽ mang lại hiệu quả vô cùng to lớn, đó cũng là giá trị của Flow “tốt” đem lại và ngược lại với Flow “tệ”.

Xây dựng các nhịp làm việc và văn hoá nội bộ

Làm thế nào để nuôi dưỡng và tạo điều kiện phát triển cho một team product với các năng lực kể trên? Lưu ý rằng, mục tiêu và kế hoạch chuẩn bị cho một trận đấu sẽ khác với một cuộc chiến dài hơi. Việc bạn có nhân lực và vật lực tốt là chưa đủ, chỉ khi có sự cộng hưởng từ yếu tố “tinh thần” thì sự vượt trội mới được tạo ra.

“Culture eats strategy for breakfast”. Peter Drucker

Đối thủ có thể sao chép mọi thứ mà bạn có, chỉ có “văn hoá” thì không. Bạn có bao giờ tự hỏi, tại sao những gã khổng lồ như Google, Facebook hay Microsoft lại thường xuyên mua và sát nhập các công ty Startup cũng như tiêu tốn hàng trăm, thậm chí là hàng tỷ Đô-la? Rõ ràng họ đều quy tụ các “ngôi sao” nhân sự trên thế giới cũng như tiềm lực vật chất và môi trường dường như vô hạn, nếu họ cũng có những ý tưởng giống team của bạn, bạn có tự tin có thể cạnh tranh khi ra “biển lớn”?

Bạn không cần phải quá lo lắng, thực ra cơ hội cho mọi bên đều tương đương nhau nếu nhìn đúng bản chất vấn đề mà team đang giải quyết bên cạnh năng lực “tinh thần” của team bạn đang có. Thậm chí team của bạn có lợi thế hơn rất nhiều vì ở những công ty lớn như vậy, sự ràng buộc bởi quy trình phát triển đã ổn định vững chắc lại là một rào cản cho các ý tưởng đột phá (thường kèm theo các yếu tố “ngoài vòng pháp luật”). Tất nhiên lợi thế này chỉ có được khi team của bạn không giải quyết lại những vấn đề phổ biến và trùng lặp (tương tự như việc bạn mở một tiệm cafe), những vấn đề có thể giải quyết đơn giản bằng nhân lực và vật lực (tài chính dồi dào).

Hypothesis-driven development

Nguồn: IBM

Vì vậy, chú trọng xây dựng văn hoá team là chìa khoá chính cho mọi thứ. Không phải team của bạn sẽ làm được những gì mà team của bạn có văn hoá “mạnh mẽ” như thế nào. Văn hoá được hình thành từ những nhịp tương tác/giao tiếp trong công việc hàng giờ/ngày/tháng/quý, bên cạnh yếu tố môi trường làm việc văn minh-sáng tạo-xanh-hạnh phúc. Bộ ba nguyên lý cộng tác phát triển phổ biến hiện nay gồm Lean, Agile và bộ công cụ Tư duy Thiết kế được coi là kim chỉ nam hữu ích. Tuy nhiên cần xây dựng và phát triển dựa theo quy tắc “may đo”, đừng nên áp dụng chúng như là sắm một chiếc áo và cố gắng mặc nó quanh năm. Mọi thứ cần có điều chỉnh linh hoạt liên tục theo tình hình và quy mô team của bạn.

Điều chỉnh liên tục cho đến khi mọi thứ trôi chảy

Infinity

Dòng chảy phát triển sản phẩm "vô hạn"

Chúng ta bắt đầu bằng những giả thuyết, dưới tác động và thúc đẩy của “Flow”-Dòng chảy dẫn đến những ý tưởng, giải pháp và các kết quả mong muốn. Flow được duy trì không ngừng là biểu hiện cho sự đúng đắn cũng như tính hiệu quả trong quá trình phát triển sản phẩm của team. Flow lớn mạnh được là nhờ sự tồn tại của văn hoá xây dựng phát triển team, nó âm thầm và lặng lẽ dưới mặt nước, đến lúc nào đó sẽ giúp team của bạn tạo ra những cơn sóng hay là cơn “sóng thần 🌊”-minh chứng cho thành quả từ những giải pháp đột phá đem lại. Đây chính là niềm tin và động lực giúp team của tôi cùng nhau đi qua những milestone trong quá trình phát triển sản phẩm.