Review phim Jupiter's Legacy: Con đường sự nghiệp

Tôi đã xem xong chuỗi tập phim Jupiter’s Legacy (Di sản Mộc tinh) được vài tháng, nay hồi tưởng lại vẫn thấy còn nhiều điều thú vị đọng lại từ serie phim này. Link xem phim trên Netflix: Jupiter’s Legacy.


Ở đây, tôi sẽ không review và chia sẻ những thứ liên quan đến giải trí, bạn có thể xem review dưới góc độ điện ảnh của Phê Phim. Tôi liên tưởng đến một vấn đề được đúc rút ra từ nó - Con đường sự nghiệp của mỗi người.

Phim kể 2 mạch truyện xen kẽ giữa quá khứ và hiện tại, và tôi cũng chỉ tập trung nói về câu chuyện thứ nhất. Đó là một hành trình khám phá và giải mã của The Union (first generation) ở trong qua khứ, theo cảm nhận của tôi khá cuốn, giống như đang theo dõi một bộ phim trinh thám bí ẩn.

Nhóm những người bạn trên hành trình đi theo giấc mơ của Sheldon (Utopian)

Bắt đầu bằng một giấc mơ

Ba nhân vật chính là anh em nhà Sampson là Walter (Brainwave), Sheldon (Utopian) và George Hutchence (Skyfox)-bạn cùng lứa của Sheldon. Vào năm 1932 khi công ty thép của nhà Sampson bị rơi vào bờ vực phá sản trong thời kỳ của cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế của toàn nước Mỹ. Người cha của họ đã chọn cách tự vẫn dưới áp lực của thất bại, điều đó gây cú sốc cho người em trai Sheldon dẫn đến bị trầm cảm và gặp nhiều ảo giác. Sheldon là người có tính cách tham vọng như người cha, rất mãnh liệt và nhiệt huyết, trái lại, người anh Walter thì thực tế hơn, luôn tính toán thận trọng yếu tố thất bại-thành công khi đưa ra quyết định. Tuy không được miêu tả kĩ như 2 nhân vật kia, nhưng George thể hiện như là một người biết nắm bắt cơ hội, biết cổ vũ bạn thân cho dù trong lúc hoạn nạn.

Sheldon mơ về một giấc mơ điên rồ, một ảo giác thôi thúc bên trong con người anh ta để đi tìm một thứ viển vông - “Hòn đảo huyền bí” mà không biết điều gì đang chờ đợi phía sau. Cuối cùng, sau những nỗ lực thuyết phục anh trai Walter bỏ hết mọi việc (dù nhà đang bao việc-công ty sắp phá sản) để theo đuổi giấc mơ của mình, nhờ có sự góp ý của George về giải pháp cho nỗi cơ cực này bằng cách thoả mãn nó như việc làm theo định mệnh/duyên số-một liều thuốc chữa cho những kẻ “điên” đang mơ về giấc mơ hão huyền, bộ ba quyết định tiến hành lên đường và build team (thêm Grace-Lady Liberty, Fitz-The Flare, David Julians-Blue Bolt, những thành viên đã xuất hiện trong giấc mơ của Sheldon).

Phải nói rằng, đã có những thời điểm, Sheldon đã “bỏ cuộc” khi chấp nhận sự thật và dần từ bỏ giấc mơ của mình. Nếu như không có sự tình cờ của George khi cảm thấy hứng thú với những bản vẽ vô định của Sheldon và khơi gợi lại giấc mơ của anh bạn thân, thì cuộc hành trình này sẽ không bao giờ xảy ra. Kể từ đó, với sự thôi thúc và giấc mơ ngày càng sinh động hơn, Sheldon càng kiên định hơn với giấc mơ đó của mình hơn bao giờ hết, và anh nhất quyết không từ bỏ trong mọi quyết định của mình một lần nào nữa. Sự tự tin ngày càng cao, thậm chí đến những “phút cuối cùng”, tưởng chừng đã ngõ cụt nhưng rồi sự kiên trì đã đem đến kết quả thành công.

Nhóm những người bạn trên hành trình đi theo giấc mơ của Sheldon (Utopian)

Tóm tắt hành trình từ giấc mơ của Sheldon gồm:

1. Sheldon bắt đầu với giấc mơ của mình
2. Cùng George thuyết phục được anh trai Walter tham gia
3. Thành lập team với 6 thành viên (kết nạp trên đường đi, 
David Julians là người cuối cùng sau khi qua "*cửa ải cơn Bão biết suy nghĩ*")
4. Cùng nhau trải qua các thử thách về lòng dũng cảm, tiền bạc, niềm tin, 
sự kiên nhẫn, tin tưởng lẫn nhau, và cuối cùng là đoàn kết để cùng nhau 
mở được cánh cổng đến sao Mộc và đón nhận sức mạnh.

Giấc mơ là khởi đầu của cuộc hành trình không có đích đến. Nhưng khi bắt đầu hành động, đích đến bắt đầu hiện ra, và gặt được từng thành quả mà không đoán biết trước được.

“If you can dream it, you can do it.” Walt Disney

Ba yếu tố chính giúp duy trì một cuộc hành trình

1. Nắm bắt cơ hội

Nếu như George không khơi gợi lại “niềm tin” của Sheldon, thì chắc chắn hành trình đi đến “Hòn đảo huyền bí” sẽ không diễn ra, Sheldon sẽ quay lại về cuộc sống cũ, cuốn theo số phận. Cũng chính George là người “chốt đơn” (thuyết phục) giúp việc kết nạp các thành viên cũng như lo liệu những vấn đề về “ngoại giao”, khiến mọi nút thắt được mở và chuyển tiếp hành trình. Dù là gã hay luyên thuyên nhiều điều, nhưng trong mọi cuộc tranh luận, George luôn chỉ ra được những điểm sáng tích cực (dù trông có vẻ chẳng có giá trị gì). Chính những khoảnh khắc ấy, như là những cột mốc giúp team nhìn lại, đánh giá vấn đề và đưa ra quyết định tới những thử thách tiếp theo. Đó chính là cơ hội, cơ hội giúp mở ra chặng đường mới, thử thách mới và kết quả mới.

Picture 2

2. Người thực tế

Walter là một người anh rất yêu thương em trai, nên luôn bao quát mọi thứ và suy nghĩ logic, vì vậy, trong mọi quyết định của mình, Walter luôn là người thực tế nhất. Và cho đến tận phút giây cuối cùng khi cả team được trao sức mạnh, Walter mới thừa nhận thành quả cuối cùng từ giấc mỡ hão huyền kia. Nếu như George là người chỉ ra cơ hội, thì Walter là người chứng minh và khẳng định những cơ hội ấy là khả thi. Lời nói của Walter có trọng lượng rất lớn và đều có tác động trực tiếp đến những quyết định của Sheldon.

Picture 3

3. Duy trì động lực

Trên hành trình đến Hòn đảo huyền bí, hầu hết các thành viên của team mới là người phát hiện và tìm ra được giải pháp tháo gỡ, thế nhưng, quyết định thực hiện lại hầu hết bởi Sheldon. Trong khi các thành viên mải cãi lộn với những ý kiến cá nhân, những mục tiêu của riêng mình, có lúc tưởng chừng muốn bỏ cuộc thì sự kiên trì của Sheldon lại giúp mở khoá những rắc rối, những khó khăn được gỡ bỏ. Sheldon kiên định với mục tiêu duy nhất của mình, giữ vững mục tiêu và là điểm neo của mọi thành viên còn lại, cho dù vẫn còn những bất đồng. Có sự hối thúc vô hình, “Just do it”, đến từ Sheldon, thậm chí khi anh ta còn chẳng đưa ra ý kiến gì, nhưng cứ nhìn vào con người ấy thì mọi câu chuyện đều dừng lại và đi tiếp vì “mục tiêu chung”.

Picture 4

Kiên định theo đuổi giấc mơ, nắm bắt từng cơ hội và thực tế khi đưa ra hành động

Sheldon có sự dung hoà các tính cách của các thành viên khác: nghị lực vượt khó, nhẫn nại, khát vọng lớn, tiếp thu trong việc ra quyết định nhưng kiên định với mục tiêu của mình.

Hãy tưởng tượng con đường sự nghiệp của bạn cũng giống như một hành trình đến đảo huyền bí vậy. Bạn sẽ bước đi như nào trên đó? Bạn mong muốn điều gì trên con đường sự nghiệp của mình?

Chúng ta chắc chắn ai cũng muốn thành công và hạnh phúc. Bạn có thể thành công theo nhiều khía cạnh, nhưng chắc chắn một điều là bạn không thể hạnh phúc khi thất bại về mọi mặt. Vấn đề là cần tìm ra thứ có thể khiến ta hạnh phúc, thoả mãn bản thân mình. Ngay cả khi bạn biết mình phải đạt được thứ gì, thì làm thế nào để tìm được con đường đi đến đó, và thực hiện nó ra sao vẫn còn là những gì rất mơ hồ.

Vậy thì hãy mơ đi.

Bạn sẽ không thể đi tiếp nếu đã dừng ở “đích”, hãy tìm cho mình một tầm nhìn đủ xa - một giấc mơ lớn, giống như là một Hòn đào huyền bí trong giấc mơ của Sheldon, như vậy bạn mới có thể đi xa hơn trên hành trình của mình. Nên nhớ rằng, giấc mơ của bạn cần có đủ độ khó và thử thách. Bạn sẽ vẫn đạt được chỉ khi bản thân nỗ lực chăm chỉ, được thúc đẩy cả về thể lực và trí tuệ (một giấc mơ mà dễ dàng thực hiện thì đó chỉ đơn giản là một ham muốn ngắn hạn, không tạo ra giá trị ý nghĩa về thành tựu).

Vậy làm thế nào để đạt được giấc mơ đó? Không ai khác tự bản thân phải tự vẽ ra con đường của riêng mình. Bạn không thể đi chung một con đường với người khác như thể bạn đang sống một cuộc đời không phải của mình vậy (bạn là riêng biệt trên thế giới này). Đường dài chắc chắn phải có chặng nghỉ chân. Với tôi, một chặng đường kéo dài 5 năm là đủ. Không ngắn cũng không dài, đủ để cảm nhận bản thân đã gặt hái được điều gì, đã nâng tầm trí tuệ và giá trị bản thân chưa.

Tại mỗi chặng dừng chân ấy, cũng là thời điểm ta nắm bắt lấy những cơ hội giúp ta đi nhanh hơn, bứt phá tiến xa hơn. Cơ hội có thể đến từ một ai đó xung quanh ta (bạn bè, đồng nghiệp, đối tác, …) hoặc cũng có thể do yếu tố hoàn cảnh (thiên thời, địa lợi, nhân hoà). Thời gian 5 năm cũng là một nhịp thời gian để kiểm chứng sự thay đổi của một con người, đồng thời không quá dài để ta không bị bỏ lỡ những cơ hội quý báu.

Và khi cơ hội đến rồi, ta sẽ rất “đau đầu” với việc ra quyết định. Bạn có dám đánh đổi sự ổn định, nhàn hạ hiện tại không? Bạn có dám đối mặt thử thách 50/50 với tương lai của mình không? Đây cũng là lúc chúng ta cần có cái nhìn thực tế. Yếu tố thực tế giúp cho việc ra quyết định bớt rủi ro hơn, khả thi hơn, không có cảm giác đánh cược với số phận. Bạn sẽ phải sẵn sàng về thời gian, về nguồn lực, về con người, ít nhất là bạn đang chạy một kế hoạch để chuẩn bị cho những điều đó.

A journey

Tại mỗi thời điểm, sẽ có những người giúp bạn nắm lấy những cơ hội, có những người giúp bạn có cái nhìn thực tế khi ra quyết định hành động. Hãy trân trọng tất cả những điều đó, quan trọng hơn cả là phải kiên định với giấc mơ của mình. Bạn không thể đi lên mà cứ đắn đo mãi về yếu tố thực tế, cơ hội sẽ mở ra chân trời mới, góc nhìn rộng mở hơn và xa hơn để thấy rõ ràng giấc mơ của mình hơn. Ngược lại, bạn được trao nhiều cơ hội nhưng bản thân chưa chín muồi thì có nghĩa rằng cần nâng cấp mình để xứng đáng đạt đến tầm cao đó.