Color Theory & Practices

Tác giả: HungDelnary

Table of content

[Part 01]

TẠI SAO TA THẤY MÀU SẮC KHÔNG ĐƠN GIẢN?

Từ khi sinh ra, cuộc sống của ta đã được bao quanh bởi màu sắc. Đó có thể là màu da của mẹ, màu tóc của bố. Từ màu của những tia nắng mặt trời, cho tới những chiếc nôi rực rỡ đầy đồ chơi.

Lớn hơn một chút, đó là màu sắc từ những cuốn truyện tranh, những bộ phim trên màn hình, những món đồ chơi người máy, búp bê, đất nặn,… Những cây sáp màu. Rồi tới màu sắc của những sản phẩm, những nhãn hàng, những thương hiệu,… Thế nhưng không phải ai cũng sống trong một thực tại màu sắc giống nhau. Vì vậy không phải ai cũng dùng màu sắc một cách giống nhau.

Có rất nhiều khúc mắc bối rối liên quan tới vấn đề màu sắc. Và với tư cách là một người nghệ sĩ hay nhà thiết kế, rất nhiều người trong số chúng ta đã luôn đi tìm câu trả lời cho vấn đề này, trong đó có mình.

Bạn có câu trả lời thỏa đáng chưa? Nếu có xin hãy chia sẻ để cộng đồng chúng ta cùng phát triển, mình rất mong được học hỏi thêm và được giải đáp khúc mắc.Theo mình, nếu muốn tìm ra cách chữa bệnh hiệu quả, trước tiên cần bắt được bệnh là gì. Đấy cũng là lí do mình viết về vấn đề này đầu tiên trong part 01 của series về MÀU SẮC, nếu bạn cũng gặp các vấn đề tương tự dưới đây, stay tuned và đón chờ các số tiếp theo trong tương lai nhé!

Ok, let’s go!!!

10 lí do làm ta thấy màu sắc không đơn giản:

Lí do #1: Màu sắc có nhiều khía cạnh tiếp nhận.

Màu sắc có thể được tiếp cận từ các khía cạnh:

  • Vật lý: Các bước sóng điện từ mà mắt ta nhận thức được, và diễn dịch thành các màu sắc khác nhau.
  • Hóa học: Thành phần cấu tạo của mỗi chất liệu tác động tới màu sắc mà mắt ta thấy.
  • Sinh lý học: Cách mà mắt cùng não bộ nhận thức thông tin màu. Cũng như cách màu sắc gây tác động tới cơ thể chúng ta.
  • Tâm lý học: Cách màu sắc gây tác động tới cảm giác, cảm xúc của chúng ta.
  • Văn hóa: Ý nghĩa màu sắc thay đổi theo các vùng miền ta sinh sống. Thời đại kỹ thuật số (Digital) thậm chí còn gây bối rối hơn, với các thông số kỹ thuật, các biểu đồ, các thiết bị và các công thức tính toán dữ liệu.

Lí do #2: Không rõ màu sắc để làm gì?

Mở mắt thức dậy mỗi ngày, ta thấy màu sắc. Bước ra khỏi cửa nhà, ta thấy màu sắc. Tham gia giao thông, ta thấy tín hiệu màu sắc. Rảo bước trên vỉa hè, ta thấy các thương hiệu đầy màu sắc. Bước qua từng shop thời trang, ta thấy những bộ cánh màu sắc. Vào rừng đi dã ngoại, ta thấy những sinh vật đầy màu sắc. Nhìn chính mình trong gương, một bản thể đầy màu sắc,…

Màu sắc có mục đích gì? Bản chất tự nhiên của màu sắc là gì? Khi nào thì ta có thể nói là ta sử dụng màu sắc được thuần thục? Không biết mục đích cũng như việc ta cầm cung bắn tên mà không biết bia ở đâu vậy. Ngày qua ngày luyện tập, ta có thể cầm cung chắc tay hơn, tư thế bắn chuẩn xác hơn, tên bắn ngày một mạnh mẽ và bay xa hơn, nhưng không bao giờ tới đích.

Lí do #3: Cấp độ và lộ trình.

Ta nên bắt đầu từ đâu? Theo các bước và trình tự như thế nào? Có các cấp độ (Levels) để tiếp cận học tập màu sắc không, và các cấp độ này như thế nào? Tương tự như khi ta bắt Grab, ta luôn cần biết ít nhất 2 điều:

  • A - Điểm đầu (Vạch xuất phát)
  • B - Điểm cuối (Đích)

Đích đến của ta ở đâu? Mục đích ta cần đạt là gì? Hiện nay ta đang đứng ở đâu? Ở cấp độ nào? Làm sao từ nơi ta đứng (A) có thể đi nhanh nhất tới đích (B)? Nếu không biết mình đang ở level nào, level trên mức hiện tại là gì, thì bằng cách nào ta có thể “level up” được? Chính vì vậy, trước tiên điều cần làm là xác định A và B. Sau đó con đường cần đi và giá phải trả sẽ tự hiện dần để ta cân nhắc. Bên cạnh đó, việc có đích đến sẽ giúp bạn đi đúng đường, tránh vòng vèo lãng phí thời gian tiền bạc (như mình trước đây)

Lí do #4: Tài liệu tiếp nhận.

Có một sự thật là việc tìm kiếm kiến thức màu sắc một cách có hệ thống không hề đơn giản, đặc biệt là tài liệu về lý thuyết màu hiện đại gần như bất khả thi. Phần lớn kết quả tốt nhất ta có thể tìm kiếm là ý nghĩa của các màu sắc cơ bản, bánh xe màu truyền thống cùng một số từ khóa liên quan tới nó, các color scheme (cách phối màu) cơ bản, một số nguồn tài liệu có đề cập tới các mô hình màu khác nhau như RGB, CMY, RYB,… hoặc là sự pha trộn lẫn lộn giữa các bánh xe truyền thống cùng hiện đại mà không kèm lời giải thích. Kết quả để lại là các tài liệu này là không thể giải thích cặn kẽ những hiện tượng thị giác của mắt, ứng dụng của màu trong nhiều ngành nghề, và những gì đang diễn ra trong thế giới hiện đại Digital (kỹ thuật số) cùng rất rất nhiều câu hỏi gây bối rối.

Lí do #5: Nhận thức màu mỗi cá nhân khác nhau.

Màu sắc tồn tại ở đâu?

Dựa theo cấu tạo các tế bào tại mắt, một con người trung bình có ba loại tế bào tiếp nhận ánh sáng, từ đó có thể nhận thức khoảng mười triệu màu hoặc nhiều hơn. Một số lượng rất ít người đặc biệt có tới bốn loại tế bào, từ đó có thể nhận thức khoảng một trăm triệu màu hoặc cả tia cực tím. Thế nhưng cũng có những người mắc chứng mù màu với số lượng tế bào ít hơn ba, từ đó hạn chế khả năng phân biệt và nhận thức màu so với người bình thường.

Số lượng tế bào cảm nhận ánh sáng là một chuyện, nhưng kể cả cách các tế bào này phân bố trong mắt cũng hoàn toàn khác nhau với mỗi cá nhân, dẫn tới một thực tế là không ai nhận thức màu sắc theo cùng một cách giống nhau. Chúng ta đều sống trong thực tại khác nhau.

Color 1

Bạn còn nhớ chiếc váy “Vàng-Trắng hay Đen-Xanh” khiến cả thế giới xôn xao tranh cãi một thời không? (H.1)

Lí do #6: Ngôn ngữ và cách gọi tên

Color 2

Bạn sẽ gọi đây là màu gì? (H.2)

Trong tiếng Việt, ta có thể kết hợp từ “Đỏ” ghép với từ ngữ khác nhau để miêu tả các sắc Đỏ khác nhau như đo đỏ, đỏ đậm, đỏ đun, đỏ đô, đỏ chót, đỏ au… Ta cũng có thể ghép “Đỏ” với các hình ảnh tượng trưng mang sắc đỏ để miêu tả như đỏ cờ, đỏ hoa hồng, đỏ lòng tôm, đỏ mận,…
Những từ ngữ này gợi ra trong bạn màu sắc nào? Liệu đỏ mận trong bạn và trong tôi có phải cùng một màu không? (H.3)

Color 3

(H.3)

Qua ví dụ về màu Đỏ bên trên, ta đã có thể thấy được giới hạn của việc sử dụng từ ngữ để miêu tả cùng một màu sắc. Đặc biệt, có những cụm từ chỉ màu sắc rất dễ gây nhầm lẫn mà ta có thể kể đến như xanh cổ vịt, xanh nước biển, xanh lam, xanh da trời,… (H.4)

Color 4

(H.4)

Với số lượng khoảng mười triệu màu mà con người có thể nhận thức, thì việc miêu tả màu sắc bằng ngôn ngữ trở nên gần như bất khả thi và cực kỳ kém hiệu quả. Fun fact: Trong Tiếng Việt, nếu tính cả đen-trắng-xám, ta sẽ có khoảng 12 từ cụ thể để chỉ về các sắc và màu khác nhau:

1. Đỏ
2. Vàng
3. Cam
4. Lục
5. Lam
6. Chàm
7. Tím
8. Hồng
9. Nâu
10. Đen
11. Trắng
12. Xám

Bạn có biết rằng trong một số ngôn ngữ như ngôn ngữ Wobé thậm chí chỉ có tổng cộng ba từ là Kpe, Pluu, Sain để miêu tả tất cả màu sắc. Hay như bộ lạc Himba ở Namibia không có từ nào cho màu xanh lam, và trong Thí nghiệm Himba nổi tiếng, khi Giáo sư Jules Davidoff cho họ xem một hình vuông màu xanh lam trong số 11 hình vuông màu xanh lục, họ hoặc không thể chọn ra hình vuông màu xanh lam - hoặc mất nhiều thời gian và gặp rất nhiều khó khăn. Thí nghiệm Himba:

Bản thân màu sắc đã là một loại ngôn ngữ, xin đừng học nó qua một lớp ngôn ngữ khác.

  • Lí do #7: Tiêu chuẩn và hệ thống giao tiếp chung

Nếu việc dùng ngôn ngữ để giao tiếp màu sắc là không hiệu quả, vậy ta nên giao tiếp với nhau bằng cách nào? Làm sao để những người sử dụng màu sắc (thợ sơn, thợ nhuộm, thợ in, nhiếp ảnh gia, nhà thiết kế, họa sĩ,…) có thể giao tiếp với nhau một cách hiệu quả?

Giải quyết được vấn đề này cũng đồng nghĩa với việc các ngành nghề khác nhau có thể có chung một bộ ngôn ngữ nền tảng và có thể đồng bộ màu sắc với nhau. Điều này cũng có nghĩa là giúp những người mới bắt đầu giảm bớt được thời gian tìm hiểu và có một vốn hiểu biết áp dụng đa dạng ngành nghề khác nhau.

  • Lí do #8: Cảm nhận màu sắc thay đổi theo ngữ cảnh xung quanh Mọi màu sắc mà ta nhận thức được bắt nguồn từ ánh sáng, đồng nghĩa với việc nếu không có ánh sáng = không có màu sắc. Điều này cũng có nghĩa là, với cùng một vật thể, trong những điều kiện sáng khác nhau, cho ta trải nghiệm màu hoàn toàn khác nhau. (H.5)

Color 5

(H.5)

Bên cạnh đó, vật liệu của vật thể cũng là một yếu tố tác động tới trải nghiệm màu sắc khác nhau. (H.5) Và điều đặc biệt kì dị là, với cùng một loại vật liệu và trong cùng một điều kiện ánh sáng, một màu vẫn có thể mang cho ta trải nghiệm khác nhau, dựa theo màu sắc đi cùng với nó. (H.6)

Color 6

(H.6)
  • Lí do #9: Nhập nhằng giữa các luồng thông tin truyền thống với hiện đại

Câu hỏi nhanh: Đây là ba màu cơ bản có đúng không? (H.7)

Color 7

(H.7)

Nếu câu trả lời của bạn là đúng, và bạn quen thuộc với Bánh xe màu (Color Wheel) ở H.7 cùng ba cặp màu đối kinh điển Đỏ-Lục, Vàng-Tím, Cam-Lam Có lẽ chúng ta đã có tuổi thơ được học kiến thức giống nhau, cùng học lý thuyết màu truyền thống (traditional color theory) đã lỗi thời từ cách đây ít nhất 150 năm.

Bạn sẽ nói sao nếu ta thậm chí có 4 màu cơ bản và các cặp đối nhau không phải là Đỏ-Lục, Vàng-Tím, Cam-Lam? (H.8) Hoặc thậm chí số lượng màu cơ bản là 6 thì sao? (H.8)

Color 8

(H.8)
  • Lí do #10: Sai lệch màu giữa các thiết bị và in ấn
“Mua màn chỗ X đi ở đấy cân màu màn free luôn”
“Làm thiết kế thì nên dùng Mac cho chuẩn màu”
“Sao chụp trên máy ảnh trông màu “đẹp” thế mà lên máy tính trông nhạt nhỉ?”
“Sao in ra trông khác file thiết kế trên máy vậy?”
 “sRGB, DCI-P3, Adobe RGB, ProPhoto RGB, Rec.2020,... là gì?”

Những câu trên có quen thuộc với bạn không? Ta sẽ giải thích những câu trên thế nào với lý thuyết màu truyền thống (traditional color theory)?

Ok, bên trên là “10 lí do làm ta thấy màu sắc không đơn giản” do mình chém gió ra. Đây là những vấn đề mình thấy tồn tại theo năm tháng, đúc rút từ những người xung quanh, và từ kinh nghiệm thực tế của bản thân trong hơn 10 năm tiếp xúc với màu sắc, cũng như tổng hợp các tài liệu và báo cáo khoa học. Nếu bạn cũng kì dị như mình, tò mò và thèm khát với kiến thức về màu sắc, hãy cùng nhau trao đổi thảo luận nhé!


[Part 02]

Table of content

Mục đích của màu sắc là gì?

Bởi tính ra, trong số chúng ta có những người sinh ra với chứng mù màu, nhưng vẫn có thể sinh hoạt và lớn lên một cách hoàn toàn bình thường. Thực tế là phần lớn những người mắc chứng mù màu không thực sự nhận ra mình mắc chứng này cho tới lúc họ lớn lên và được biết tới nó. Bên cạnh đó, ta còn rất nhiều chức năng khác cho việc tương tác với thế giới xung quanh, ta có thể sử dụng nhận thức về chiều sâu, xúc giác, thính giác,… Vậy tại sao màu sắc lại trở thành một phần rất lớn trong thực tế của chúng ta?

Trong tự nhiên, màu sắc, ngoài tính thẩm mỹ, còn có tính hữu ích. Ví dụ, một số loài thực vật hoặc động vật có màu sắc rực rỡ thường có xu hướng gây độc, hay như những loài hoa có màu sắc nổi bật để ong có thể phát hiện ra chúng dễ dàng hơn, hay với lông trên một số loài chim có thể sử dụng để thu hút bạn tình. Qua các ví dụ này ta có thể thấy rằng, việc sử dụng màu khác nhau mang ý nghĩa khác nhau, với từng loài vật khác nhau.

Theo một số nhà tự nhiên học và sinh vật học, nhiều năm tiến hóa và chọn lọc tự nhiên thông qua sự-thích-nghi-chống-kẻ-săn-mồi chính là nguyên nhân dẫn đến màu sắc rực rỡ ở các loài động vật có độc. Theo lý thuyết từ rất lâu trước đây, thế giới tồn tại những loài động vật có độc, trong cả màu bình thường và màu rực rỡ. Theo thời gian, khi những kẻ-săn-mồi bắt đầu nhận ra/liên kết những con vật có màu sặc sỡ = cái chết/chất độc, vì vậy theo bản năng bắt đầu tránh ăn thịt chúng, trong khi vẫn ăn thịt những con vật có độc màu sắc bình thường do không thể phân biệt. Dẫn tới theo chọn lọc tự nhiên, quần thể con vật độc với màu sắc bình thường dần biến mất, để lại những loài có độc với màu sắc rực rỡ.

Điều thú vị là vai trò của một số màu sắc nhất định trong thế giới không chỉ do tự nhiên chỉ định một cách vô thức, mà còn được con người chỉ định một cách có ý thức. Ví dụ sẽ khó có nơi nào trên thế giới khi ta lái xe, mà không bắt gặp đèn tín hiệu giao thông trong đó “Lục” không có nghĩa là “Đi” và “Đỏ” không có nghĩa là “Dừng”. Các nền văn hóa khác nhau cũng thể hiện những ý nghĩa khác nhau đối với các màu sắc khác nhau, chẳng hạn “Trắng” mang nghĩa là “tinh khôi”, “đức hạnh” trong văn hóa phương tây, nhưng mang nghĩa “tang tóc” trong nhiều nền văn hóa á đông.

Trong thế giới của con người, ta thấy mỗi ngày: “Lục” = “Đi”, “Đỏ” = “Dừng”, tránh chạm các vạch “Trắng”,… Nếu tôi miêu tả một nhóm thanh niên mặt mũi căng thẳng đang mặc quần áo sọc đen-trắng và xuất hiện trên các mặt báo, bạn sẽ liên tưởng đến nhóm đối tượng nào? (H.1)

Color 9

(H.1)

Không giống như trong tự nhiên, chúng ta - một xã hội - đã đưa ra các quyết định một cách có ý thức để sử dụng các màu sắc cho những ý nghĩa cụ thể. Ta có thể quyết định rằng “Đỏ” = “Đi”, “Lục” = “Dừng”, không như những loài vật trong tự nhiên, không thể quyết định được cách chúng xuất hiện với màu chúng muốn. Vậy khi nhìn chung, trong cả thế giới tự nhiên và thế giới của con người, màu sắc có thể được sử dụng cho những mục đích nào?

Dựa theo quan sát và nghiên cứu, ta có thể xếp cách các sinh vật sống sử dụng màu sắc nằm vào 4 nhóm:

  1. Orientation - Định hướng: Màu sắc được sử dụng để tìm ra thức ăn, chỗ ở, các sinh vật khác. Bướm biết tìm hoa, chim biết tìm bạn tình. (H.2)

Color 10

(H.2)
  1. Warning - Cảnh báo: Trong tự nhiên, các sinh vật có độc không hề che giấu bản thân mà ngược lại, chúng bộc lộ một cách rõ ràng qua màu sắc đậm cùng các họa tiết, các nhà khoa học gọi đây là Aposematism - Tín hiệu xua đuổi. Các tín hiệu này để báo cho những kẻ-săn-mồi biết rằng chúng nên tìm bữa ăn ở một nơi khác. Vàng, Đỏ, Cam, Đen và Trắng là những màu mang tính phô trương - đây là những màu mang tính cảnh báo. Cũng là những màu được áp dụng trong thế giới loài người để cảnh báo. (H.3)

Color 11

(H.3)
  1. Camouflage - Ngụy trang: Trong khi những loài sinh vật có độc bày màu sắc của mình ra một cách phô trương để cảnh báo những kẻ-săn-mồi, những loài không độc phải làm thế nào để tồn tại và sống sót? Câu trả lời là chúng được lập trình sử dụng màu sắc để ngụy trang lẩn trốn. (H.4a)

Color 12

(H.4a)

Ý tưởng tương tự cũng được áp dụng trong thế giới con người, đặc biệt thường thấy nhất ở lĩnh vực quân sự. (H.4b)

Color 13

(H.4b)
  1. Identity - Tạo danh tính: Màu sắc tạo ra dấu ấn nhận dạng rất riêng biệt giữa các loài sinh vật. Áp dụng trong thế giới loài người, ta có nhiều từ ngữ khác để miêu tả đặc tính này như “phong cách”, “thời trang”, “văn hóa”, “thương hiệu”,… Nhưng đều để nhắm đến mục đích tạo những nhận dạng riêng biệt. (H.5)

Color 14

(H.5)

Từ tất cả các điều trên, điều ta có thể đưa ra là, theo lý thuyết, các sinh vật sống gán cho màu sắc ý nghĩa cả trong ý thức và tiềm thức. Màu sắc ta thấy trong thế giới xung quanh có hai dạng ý nghĩa:

- Do những con người khác gán cho.
- Do thiên nhiên qua nhiều thế hệ gán cho.

Điều này có nghĩa là về cốt lõi, bản chất tự nhiên của màu sắc với các sinh vật sống, là để GIAO TIẾP. Nói theo cách này, không phải trùng hợp khi có ý kiến cho rằng Màu Sắc chính là một loại ngôn ngữ không lời.

Theo góc nhìn vật lý thuần túy, màu sắc là kết quả của ánh sáng tương tác với cấu tạo nguyên tử khác nhau của các hạt vật chất trong vũ trụ - đã tồn tại lâu hơn tất thảy các sinh vật sống. Điều này nghĩa là bản thân màu sắc đã tồn tại rất rất lâu trước khi thực vật và động vật tồn tại. Như vậy việc học về màu sắc đồng nghĩa là ta đang học về một trong những ngôn ngữ có nguồn gốc cổ xưa nhất trong vũ trụ, và quá trình trình học màu sắc cũng tương tự như quá trình ta học một ngôn ngữ.

Bạn thường dùng màu sắc cho những mục đích nào?

[Part 03]

Table of content

LỘ TRÌNH HỌC (TÌM HIỂU) MÀU SẮC

Trước khi đi đến nội dung chính của part này, mình sẽ đưa ra một vài câu hỏi:

- Bạn làm tác phẩm dành cho điều gì?
- Bạn muốn truyền tải điều gì thông qua đó?
- Thông điệp bạn đưa ra dành cho ai?

Nếu bạn nói rằng bạn làm art vì thỏa mãn một mình bản thân, chẳng cần ai hiểu cũng như chẳng cần sự công nhận của ai, mình hoàn toàn không dám có ý kiến. Vậy hãy giữ nó cho riêng mình, theo đúng mục đích ban đầu. Nhưng một khi bạn chia sẻ art của mình đến với thế giới này, cho dù thông qua phương tiện nào, bất kể truyền thống hay hiện đại, nghĩa là art của bạn sẽ có người tiếp cận đến và tiếp nhận nó. Đó là một quá trình 2 chiều, giữa người gửi - người nhận.

Đó cũng chính là quá trình giao tiếp. NTK nội thất, NTK thời trang, Kiến trúc sư, Nhà điêu khắc, Nhà in ấn, Họa sĩ, Nhiếp ảnh gia, Nhà làm phim, Vũ công, Nhà văn,… Có ai trong số những người trên đây không sử dụng giao tiếp? Có ai trong số chúng ta không sử dụng giao tiếp?

Giao tiếp là một trong những nhu cầu cơ bản nhất nhưng có ý nghĩa lớn nhất với con người. Tất cả nguồn tri thức bạn thu thập được trong cuộc sống này bắt nguồn từ đâu? Nếu không phải từ đọc sách, xem truyền hình, xem tranh, trò chuyện với những người khác, thấy những gì người khác làm…?

Ở số trước ta đã bàn về bản chất tự nhiên của màu sắc với các sinh vật sống, là để GIAO TIẾP. Qua đó, cụ thể các mục đích của việc sử dụng màu sắc để giao tiếp bao gồm có:

1. Orientation - Định hướng
2. Warning - Cảnh báo
3. Camouflage - Ngụy trang
4. Identity - Tạo danh tính

Bất kỳ việc dùng màu nào của ta đều có thể xếp vào một trong bốn mục đích bên trên. Vậy nếu nói mục đích của màu sắc là giao tiếp, và màu sắc là một loại ngôn ngữ giúp chúng ta giao tiếp. Thì cách mà chúng ta sử dụng màu sắc, cũng như quá trình mà ta học về nó, sẽ liên quan mật thiết tới QUÁ TRÌNH GIAO TIẾP, và LỘ TRÌNH HỌC MỘT NGÔN NGỮ. OK, let’s gooo!

QUÁ TRÌNH GIAO TIẾP - COMMUNICATION PROCESS (H.1)

Color 15

(H.1)

Giao tiếp là một quá trình động bắt đầu bằng việc lên ý tưởng từ người gửi, sau đó truyền thông điệp qua một kênh nào đó, và tới người nhận, người nhận sẽ đưa ra phản hồi dưới dạng một số thông điệp hoặc tín hiệu trong khung thời gian nhất định.

Do đó, có 7 yếu tố chính của quá trình giao tiếp:

  1. Sender - Người gửi: Người gửi là người bắt đầu cuộc trò chuyện, khi đã có ý tưởng định truyền đạt cho người khác.
  2. Encoding - Mã hóa: Người gửi bắt đầu với quá trình mã hóa (trình bày lượng thông tin phức tạp thành dạng đơn giản và ngắn gọn), hay nói cách khác là nén thông tin. Người gửi có thể sử dụng một số từ ngữ hoặc phương pháp phi ngôn ngữ như ký hiệu, dấu hiệu, cử chỉ cơ thể, v.v. để chuyển thông tin thành tin nhắn. Kiến thức, kỹ năng, nhận thức, nền tảng, năng lực, v.v. của người gửi có tác động lớn đến sự thành công của việc nén thông tin.
  3. Message - Thông điệp: Sau khi mã hóa hoàn tất, người gửi sẽ nắm được thông điệp mà mình định truyền tải. Thông điệp có thể được viết, được nói, mang tính tượng trưng hoặc phi ngôn ngữ như cử chỉ cơ thể, im lặng, thở dài, âm thanh, v.v. hoặc bất kỳ tín hiệu nào khác kích hoạt phản hồi của người nhận.
  4. Communication Channel - Kênh liên lạc: Người gửi chọn phương tiện để truyền tải thông điệp của mình đến người nhận. Phương tiện này cần được lựa chọn cẩn thận để thông điệp có hiệu quả, và giúp người nhận giải thích một cách chính xác. Việc lựa chọn phương tiện phụ thuộc vào mối quan hệ cá nhân giữa người gửi và người nhận, cũng như mức độ khẩn cấp của thông điệp được gửi đi.
  5. Receiver - Người nhận: Người nhận là người được thông điệp nhắm đến. Người này cố gắng hiểu thông điệp theo cách tốt nhất có thể, để đạt được mục tiêu giao tiếp. Mức độ mà người nhận giải mã thông điệp phụ thuộc vào kiến ​​thức của họ về chủ đề, kinh nghiệm, sự tin tưởng và mối quan hệ với người gửi.
  6. Decoding - Giải mã: Tại đây, người nhận diễn giải thông điệp của người gửi và cố gắng hiểu thông điệp đó theo cách tốt nhất có thể. Giao tiếp hiệu quả chỉ xảy ra khi người nhận hiểu thông điệp theo đúng cách mà người gửi dự định.
  7. Feedback - Phản hồi: Phản hồi là bước cuối cùng của quá trình, để đảm bảo rằng người nhận đã nhận được thông điệp và diễn giải nó một cách chính xác như dự định của người gửi.

Bước này làm tăng hiệu quả giao tiếp vì nó cho người gửi biết được hiệu quả thông điệp của mình. Phản hồi của người nhận có thể bằng lời nói hoặc không lời. Ghi chú: Noise (tiếng ồn) thể hiện những rào cản trong việc giao tiếp. Có nhiều khả năng thông điệp được gửi bởi người gửi nhưng người nhận không nhận được.

LỘ TRÌNH HỌC MỘT NGÔN NGỮ

Bây giờ hãy nghĩ về ngôn ngữ tiếng Việt, bạn học tiếng Việt qua quá trình như thế nào?

Dù có sự khác nhau trên mỗi cá nhân, nhưng về cơ bản quá trình một em bé học ngôn ngữ diễn ra như sau:

  1. Mới sinh Khi trẻ mới được sinh ra, chúng đã có thể phản ứng với nhịp điệu của ngôn ngữ. Chúng có thể nhận ra tốc độ, sự căng thẳng, và sự lên xuống của cao độ.
  2. Giai đoạn 4-6 tháng Từ tháng thứ tư, trẻ sơ sinh có thể phân biệt giữa âm thanh của ngôn ngữ với các tiếng động khác. Ví dụ, chúng biết sự khác biệt giữa lời nói và tiếng vỗ tay. Đến tháng thứ 6, trẻ bắt đầu bập bẹ và thủ thỉ, đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy trẻ đang học ngôn ngữ. Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu bập bẹ, kết hợp lẫn nguyên âm và phụ âm, chẳng hạn như ba ba, ya ya, ma ma, đa-đa,… Trẻ lúc này có khả năng tạo ra tất cả âm thanh trong tất cả các ngôn ngữ trên thế giới, nhưng khi trẻ được một tuổi, chúng sẽ bỏ đi những âm thanh không thuộc về ngôn ngữ mà chúng đang học.
  3. Giai đoạn 8 tháng Bé bây giờ có thể nhận biết các nhóm âm thanh nào là từ ngữ của ngôn ngữ mình đang học. Mặc dù vậy, chúng vẫn đang học những từ này có nghĩa là gì. Trẻ sơ sinh ở độ tuổi này có nhiều khả năng hiểu được ý nghĩa của các từ liên quan đến trải nghiệm hàng ngày của chúng, đặc biệt là liên quan đến thức ăn và các bộ phận cơ thể.
  4. Giai đoạn 12 tháng Ở thời điểm này, trẻ đã có thể liên kết được ý nghĩa với từ ngữ. Sau khi làm được điều đó, chúng có thể bắt đầu xây dựng vốn từ vựng. Chúng cũng bắt đầu bắt chước những từ mới mà chúng nghe được.
  5. Giai đoạn 18 tháng Để giao tiếp được trẻ phải biết cách sử dụng những từ chúng đang học. Trong giai đoạn phát triển ngôn ngữ này, trẻ đã có thể nhận ra sự khác biệt giữa danh từ và động từ. Thông thường, những từ đầu tiên trong vốn từ vựng của trẻ là danh từ. Ví dụ như “ba, mẹ, táo, lê,…
  6. Giai đoạn 24 tháng Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu nhận biết nhiều danh từ và động từ hơn, bên cạnh đó còn có thể hiểu được cấu trúc câu cơ bản.
  7. Giai đoạn 30 - 36 tháng Trong giai đoạn 30 - 36 tháng, khoảng 90% những gì trẻ nói là đúng ngữ pháp.

Trẻ đã bắt đầu phân biệt được cách xưng hô, biết mình xưng con và phải gọi ba mẹ. Trong độ tuổi này, vốn từ vựng của bé không ngừng phát triển và mở rộng. Bé có thể nối các danh từ và động từ vào với nhau để tạo nên cấu trúc câu đơn giản.

Ví dụ: Con muốn “x”
Trong đó “x” có thể thay bằng các từ ngữ khác nhau như “ăn”, “uống”, “chơi”,...

Đây là một ngữ pháp (hay quy luật) cơ bản.

  1. Giai đoạn từ 3 tuổi trở lên Trong khi lớn dần lên, trẻ tiếp tục mở rộng vốn từ vựng và phát triển ngôn ngữ phức tạp hơn. Tuy nhiên cách sử dụng ngôn ngữ của chúng không hoàn toàn giống với ngôn ngữ của người lớn cho đến khi khoảng mười một tuổi.

Bắt đầu từ đây, mình sẽ dùng từ “ta” thay cho từ “trẻ” Trong thời gian ta lớn lên, các cấu trúc ngữ pháp (quy luật) đơn giản dần được thêm thắt phức tạp hơn, bày tỏ bản thân ta rõ ràng hơn. Và khi ta không muốn cách nói của mình lặp đi lặp lại, đó là khi các quy luật có thể bị phá bỏ.

Ví dụ với cùng một thông điệp mời người khác đi ăn cơm, ta có thể bắt đầu giao tiếp theo rất nhiều cách khác nhau:

    - Đi ăn cơm cùng mình nhé.
    - Cơm không? (Em ăn cơm chưa?)
    - Tớ mới biết chỗ này ngon cực. Đi thử không?
    - Ê đói không?
    - Hôm nay mà có ai đó đi ăn cùng thì hay hehe

Đến đây bạn nhận thấy gì từ quá trình một em bé học ngôn ngữ?

LỘ TRÌNH HỌC MÀU SẮC

Tổng hợp chung lại theo quá trình mà một em bé học ngôn ngữ, ta có thể chia làm 4 giai đoạn chính:

  1. Lắng nghe, quan sát, copy chưa cần hiểu:

Trong màu sắc thì đây chính là giai đoạn ta đi cover/sao chép lại tác phẩm của những người khác, lúc này chỉ cần copy mà không cần hiểu tại sao. Trong giai đoạn này, ta có thể bắt đầu thấy được cách dùng màu (cách giao tiếp) của những người khác nhau và mở rộng thư viện màu sắc (vốn từ vựng) ta có trong đầu.

Phương pháp “Copywork” là một trong những phương pháp đã được chứng minh đem lại hiệu quả rất nhanh trong thời gian ngắn.

  1. Xây dựng vốn từ và liên kết ý nghĩa:

Trong thời gian “copywork” ta sẽ tiếp tục mở rộng thư viện màu sắc (vốn từ vựng) của bản thân, đồng thời qua đó bắt đầu liên kết màu sắc với những ý nghĩa cụ thể, như màu Đỏ (Red) thường xuất hiện trong các trường hợp nào, bối cảnh nào, qua đó chúng có ý nghĩa gì?

  1. Ghép nhóm từ và hiểu các ngữ pháp cơ bản:

Dựa theo ý nghĩa màu sắc ta xây dựng từ giai đoạn trên, lúc này ta có thể hiểu và nhóm được những màu đi cùng với nhau, cho ra những thông điệp với ý nghĩa khác nhau.

Những màu thường xuyên được dùng kèm với nhau trở thành quy luật (ngữ pháp), làm cơ sở để ta dễ dàng truyền tải thông điệp bản thân hơn. Nghĩa là, nếu cứ ốp quy luật như thế, thì tỉ lệ truyền tải thông điệp thành công sẽ rất cao, dù có thể không mới lạ đặc sắc và không thể hiện rõ cá tính riêng mỗi người.

Nếu bạn thấy mình thường xuyên sử dụng Color Schemes như Triadic (phối màu tam giác), Complementary (phối màu đối nhau), Analogous (phối màu liền kề),… bạn đang ở giai đoạn này.

  1. Ngữ pháp nâng cao và phá luật:

Tương tự trong ví dụ trên, khi ta bày tỏ ý định mời người khác đi ăn cơm với rất nhiều cách diễn đạt khác nhau:

    - Đi ăn cơm cùng mình nhé.
    - Cơm không? (Em ăn cơm chưa?)
    - Tớ mới biết chỗ này ngon cực. Đi thử không?
    - Ê đói không?
    - Hôm nay mà có ai đó đi ăn cùng thì hay hehe

Khi hiểu thông điệp mình muốn truyền tải là gì, và không muốn lặp đi lặp lại bản thân duy nhất một cách diễn đạt, đây là lúc ta có thể phá luật. Phá luật là khi ta tìm thấy cách ta diễn đạt cho thông điệp của mình, qua đó phản ánh bản thân mình gần nhất.

KẾT

Dù rằng có rất nhiều điều có vẻ dài dòng và phức tạp mình viết bên trên. Nhưng mình mong bạn hãy quên hết nó đi.

Và bắt đầu coi chính mình là một đứa trẻ, đang học cách bày tỏ và diễn đạt bản thân với người khác thông qua màu sắc. Hãy cứ tò mò, cứ vui chơi và khám phá loại ngôn ngữ này.

Chúc bạn chơi vui nhé!

[Part 04]

Table of content

MÀU SẮC LÀ GÌ?

- Color Wheel (Bánh xe màu) đầu tiên xuất hiện từ bao giờ?
- Màu sắc tồn tại ở đâu?

Ở các số trước ta đã bàn về LỘ TRÌNH HỌC MÀU SẮC, thông qua hiểu biết cơ bản về màu sắc là một loại ngôn ngữ, được sử dụng cho mục tiêu GIAO TIẾP. Bắt đầu từ số này, chúng ta sẽ dành thời gian ngược dòng lịch sử, lùng về nguồn gốc hiểu biết kiến thức màu sắc của con người theo dòng thời gian.

OK, let’s gooooo!

COLOR WHEEL (BÁNH XE MÀU) ĐẦU TIÊN XUẤT HIỆN TỪ BAO GIỜ?

Các kiến thức về màu sắc và ánh sáng hiện tại của chúng ta được bắt nguồn từ thí nghiệm lăng kính nổi tiếng của Newton năm 1672. Trước đó, quan niệm chính giáo về màu sắc phân biệt rằng có hai loại màu sắc, loại có thực và loại tưởng tượng. Loại có thực tồn tại trong thực tế (màu sơn, chất tạo màu, mực in,…), còn loại tưởng tượng (như cầu vồng) không thực sự tồn tại, mà chỉ là hiệu ứng sinh ra bởi tâm trí của chúng ta.

Tuy nhiên không phải ai cũng đồng ý với quan niệm này, các nhà triết học tranh cãi rằng tất cả màu sắc đều là loại tưởng tượng, đều được tạo ra tương tự như cầu vồng, là hiệu ứng của tâm trí chúng ta. Vì vậy nếu ta có thể hiểu được cầu vồng, ta có thể được nguồn gốc của màu sắc.

Issac Newton đã bắt đầu quan tâm tới vấn đề này khi còn là sinh viên trường Trinity College. Tại đây, ông học tập và nghiên cứu cuốn sách Les Météores (1637) của nhà triết gia vĩ đại người Pháp, René Descartes, qua đó bàn luận về việc cầu vồng được tạo ra nhờ các giọt nước trong không khí bẻ cong ánh sáng mặt trời, và có thể dùng một lăng kính tam giác tái tạo lại hiện tượng này (H.1). Không dừng lại ở đó, Newton tiếp tục nghiên cứu cuốn sách Experiments and Considerations Touching Colours (1664) bởi nhà thực nghiệm lỗi lạc người Anh Robert Boyle về mô hình lăng kính. (H.1)

Color 16

(H.1)

Dựa vào sự học tập, quan sát và nghiên cứu, Newton bắt đầu tiến hành thí nghiệm lăng kính năm 1672 (sau khoảng 30 năm từ lúc ông bắt đầu đọc cuốn Les Météores năm 1637). Khi thực hiện thí nghiệm lăng kính, Newton đã quan sát rằng khi ánh sáng trắng chiếu qua một lăng kính thủy tinh, các tia sáng khác nhau bị bẻ cong theo mức độ khác nhau, và vì thế các tia này xuất hiện thành nhiều màu sắc khác nhau. Newton gọi dải màu sắc ánh sáng này là Spectrum (Quang Phổ) (H.2) Color 17

(H.2)

Trên Spectrum thường được cho là có bảy màu từ Red (Đỏ), Orange (Cam), Yellow (Vàng), Green (Lục), Blue (Lam), Indigo (Chàm), Violet (Tím), dải màu này được viết ngắn dưới dạng ROYGBIV.

  • Khi quan sát bằng mắt thường, có thể thấy rằng Violet xuất hiện không rõ rệt như những màu sắc khác. Điều gì làm cho Violet đặc biệt hơn những màu khác? Thí nghiệm lăng kính của Newton được tái dựng qua video: https://www.youtube.com/watch?v=uucYGK_Ymp0

Qua thí nghiệm, Newton cũng đã cho thấy rằng khi pha trộn các tia màu sắc này, sẽ tạo ra ánh sáng trắng một lần nữa. Sau thí nghiệm, Newton đã cô đọng và đóng góp Color Wheel đầu tiên trong lịch sử vào năm 1704 khi xuất bản cuốn Opticks: or, A treatise of the reflexions, refractions, inflexions and colours of light. (https://www.whipplelib.hps.cam.ac.uk/…/isaac-newton…) (H.3)

Color 18

(H.3)

Ý tưởng cốt lõi về việc tách biệt Hue thành một chiều độc lập của màu sắc, và biểu thị chiều Hue này theo dạng một vòng tròn liên tục lần đầu tiên được thực hiện bởi Newton. Mặc dù trước Newton đã có một số sơ đồ màu dạng hình tròn được vẽ từ thế kỷ XVII, nhưng tất cả chúng bao gồm đen và trắng (trộn lẫn với chiều Value/Lightness của màu sắc) (H.4)

Color 19

(H.4)

MÀU SẮC TỒN TẠI Ở ĐÂU?

Newton cũng đã nói một điều rất kì lạ, ông nói rằng “the rays to speak properly are not coloured” (tạm dịch: Các tia nói cho đúng ra thì không có màu) (H.5). Đồng nghĩa với việc tự bản thân các tia ánh sáng này theo góc độ vật lý thuần túy thì không có màu.

Color 20

(H.5)
  • Vậy màu sắc ta cảm nhận thấy từ đâu? Theo quá trình như thế nào? Qua đây ý của ông nói màu sắc thực ra là cảm giác của tâm trí, do ánh sáng tạo ra (tương tự như âm thanh là cảm giác của tâm trí do các rung động vật lý của không khí tạo ra)

Như vậy có thể nói rằng, màu sắc là sản phẩm do chính chúng ta cảm nhận mà ra, tồn tại trong NÃO của mỗi cá nhân, liên quan mật thiết tới khía cạnh sinh lý hơn vật lý và hóa học. Vì vậy mỗi cá nhân có thể có cảm nhận khác nhau về màu sắc. Cụ thể hơn, nghĩa là với mỗi bước sóng dài ngắn khác nhau, kích hoạt ta cảm nhận thấy màu sắc khác nhau, dẫn tới câu hỏi về cách mà chúng ta tiếp nhận ánh sáng thông qua thị giác và xử lý não bộ.

  • Ta tiếp nhận và xử lý màu sắc như thế nào? Hãy đón chờ số tiếp theo.

[Part 05]

Table of content

CHÚNG TA TIẾP NHẬN VÀ XỬ LÝ MÀU SẮC TỪ ÁNH SÁNG NHƯ THẾ NÀO?

  • Lý thuyết tam sắc (Trichromatic theory) là gì? SML là gì?
  • Mô hình RGB ra đời từ khi nào?
  • Người mù màu có phải thấy thế giới toàn màu xám?

Ở số trước ta đã cùng bàn về nguồn gốc của Color Wheel đầu tiên và nơi mà màu sắc tồn tại, dựa theo một trong những thí nghiệm nổi tiếng nhất trong lịch sử của Newton. Sau thí nghiệm, Newton cho rằng bảy màu từ Red (Đỏ), Orange (Cam), Yellow (Vàng), Green (Lục), Blue (Lam), Indigo (Chàm), Violet (Tím) là bảy màu Primary (cơ bản) của ánh sáng, vì khi trộn bảy màu lại lại ta sẽ có ánh sáng trắng. Điều này có hoàn toàn chính xác không?

Link gốc part 01: https://www.facebook.com/groups/VietDesigner.Net/permalink/3730844370335382 Link gốc part 04: https://www.facebook.com/…/permalink/3788807394539079

OK, let’s goooo!

Sau khi cuốn Opticks của Newton xuất bản được 98 năm, vào năm 1802 xuất hiện một định đề của Thomas Young cho rằng, mắt ta không thể nào có đủ số tế bào cảm quang cho từng màu sắc mà ta thấy (với số lượng hàng triệu), vì vậy tầm nhìn có màu sắc là kết quả từ chỉ ba loại tế bào cảm quang khác nhau.

Lý thuyết này được hoàn thiện bởi Herman von Helmholtz vào những năm 1850, được gọi là Trichromatic theory (lý thuyết tam sắc) hay Young-Helmholtz theory. Theo Trichromatic theory, tất cả màu sắc mà ta có thể thấy là sự kết hợp của chỉ ba loại tế bào cảm quang, trong đó, dựa theo Spectrum:

  1. Một loại cảm nhận tốt các bước sóng ngắn, vì vậy được gọi là Blue (các nhà nghiên cứu phân biệt bằng tên gọi S-Short, nhạy cảm nhất ở mức 437 nm)
  2. Một loại cảm nhận tốt các bước sóng tầm trung, được gọi là Green (Medium-M, nhạy cảm nhất ở mức 533 nm)
  3. Một loại cảm nhận tốt các bước sóng dài, được gọi là Red (Long-L nhạy cảm nhất ở mức 564 nm)

Trichromatic theory lúc bấy giờ hoàn toàn dựa trên lý luận khoa học, mà không có bằng chứng thực nghiệm nào. Thực nghiệm đầu tiên của lý thuyết này đã được ghi nhận bởi James Clerk Maxwell trong tài liệu Experiments on Colour năm 1855 của ông. Trong thực nghiệm này, Maxwell sử dụng một chiếc đĩa gắn trên đó ba màu Red, Green, Blue rồi cho xoay tròn, kiểm chứng và ghi nhận lý thuyết Young-Helmholtz.

Định nghĩa các màu Primary của ánh sáng là Red, Green, Blue, và với liều lượng pha trộn khác nhau có thể đạt được tất cả các màu sắc mà ta có thể nhận thức. (H1)

Color 21

(H.1)

Năm 1861, với sự giúp đỡ của Thomas Sutton - cha đẻ dòng camera SLR (Single Lens Reflex), Maxwell đã áp dụng lý thuyết của ông vào Photography (Nhiếp ảnh), chụp một dải ruy băng bằng camera đen-trắng ba lần, mỗi lần sử dụng một tấm lọc màu (R)ed hoặc (G)reen hoặc (B)lue. Kết quả là Max và Sutton đã tạo ra bức ảnh màu đầu tiên trên thế giới khi kết hợp 3 tấm ảnh RGB lại làm một, tạo tiền đề cho màu sắc trong nhiếp ảnh và hiển thị màu sắc trên màn hình cho tới tận ngày nay. Đây có thể nói chính là sự khai sinh của hình mẫu RGB (còn được gọi là hệ màu cộng (Additive Color) hay hệ màu của ánh sáng) (H2)

Color 22

(H.2 Link video trực quan: https://www.youtube.com/watch?v=sghTX3Zc1sE)

Quay lại Trichromatic theory, tất cả màu sắc là kết quả của 3 tế bào cảm quang Red, Green, Blue pha trộn với nhau theo liều lượng thay đổi. Sau này khoa học phát triển hơn, ta nhận dạng các tế bào cảm quang là Cone (tế bào hình nón, dựa trên hình dáng của chúng), mức độ phản ứng của Cones với các bước sóng được biểu hiện trong biểu đồ. (H3) Color 23

(H.3)

Ánh sáng khi được tiếp nhận, sẽ kích hoạt xung thần kinh từ các Cone. Phụ thuộc vào tỉ lệ xung thần kinh được kích hoạt từ mỗi loại Cone, ta cảm nhận được những màu cụ thể khác nhau.

Nói một cách khác, não bộ so sánh tỉ lệ phản ứng giữa S-M-L, từ đó cho ta kết quả là màu sắc. Khi S-M-L đều phản ứng giống nhau, ta thấy ánh sáng màu trắng. Khi tỉ lệ phản ứng giữa S-M-L không giống nhau, ta thấy những màu khác. (H4)

Color 24

(H.4)

Điều thú vị là não ta chỉ quan tâm so sánh tỉ lệ phản ứng giữa S-M-L với nhau, nghĩa là kể cả khi thông tin đầu vào khác nhau nhưng tỉ lệ giữa chúng tương đồng, thì ta vẫn có thể thấy kết quả cùng một màu.

  • Ví dụ: ta có các dãy 8-2-1 = 7-1-1 = 9-3-1 = 3+1+1 = 6+1-2 đều có kết quả bằng 5, dù thông tin đầu vào mỗi dãy khác nhau.

Điều này lí giải tại sao mô hình RBG hoạt động, khi ta thấy Yellow = Red + Green có tỉ lệ phản ứng tương tự Yellow từ Spectrum, dù thực chất chúng có bước sóng khác nhau. Link ví dụ: https://www.youtube.com/watch?v=iPPYGJjKVco

  • Vậy khi một người không có đủ một trong ba tế bào S-M-L, chuyện gì sẽ xảy ra?

Họ sẽ thấy thế giới này theo những cách khác nhau, phụ thuộc vào loại tế bào nào bị thiếu. Ta thường gọi hiện tượng này là chứng mù màu. Một người mắc chứng mù màu có thể thiếu một loại Cone hoặc S hoặc M hoặc L, mỗi loại bị thiếu sẽ cho ra kết quả hình ảnh khác nhau. Khi thiếu 2 loại Cone, bộ não không thể so sánh tỉ lệ giữa các Cone, vì vậy có kết quả hình ảnh cho ra hoàn toàn màu xám. (H5)\

Color 25

(H.5)

KẾT

Trichromatic theory đã giải thích được sự pha trộn màu sắc và bệnh mù màu dựa trên ba loại tế bào Cone. Thế nhưng, thuyết này đã không thể lý giải được một số hiện tượng khác. Chẳng hạn, nó không giải thích được lí do các cặp màu đối có thể pha trộn thành màu xám. Bên cạnh đó, thuyết này cũng không giải thích được tại sao có hiện tượng lưu ảnh (after image). Sau khi nhìm chằm chằm vào màu sắc trong thời gian lâu, ta thấy tồn lại màu kể cả khi đã nhìn ra nơi khác. Để có thể lí giải được những thiếu sót mà Trichromatic theory để lại, xin hãy đón chờ số tiếp theo, với sự góp mặt của Ewald Hering cùng Opponent - Process theory 😉

[Part 06]

Table of content

  • Opponent-process theory (Thuyết xử lý đối nghịch) là gì?
  • Tại sao hai màu đối nhau khi pha trộn lại ra Xám (Grey)?
  • Hiện tượng lưu ảnh (after image) diễn ra như thế nào?
  • Sự ra đời của Ewald’s Color Wheel với bốn màu cơ bản (Primary Colors).

Ở số trước ta đã cùng đề cập tới ba vấn đề liên quan tới sự ra đời của mô hình RGB, Lý thuyết tam sắc (Trichromatic theory), cũng như cách mà Trichromatic giải thích về chứng mù màu. Link gốc part 05: https://www.facebook.com/groups/VietDesigner.Net/permalink/3804068143013004
Link gốc part 01: https://www.facebook.com/…/permalink/3730844370335382/

Trichromatic theory đã giải thích được sự pha trộn màu sắc và bệnh mù màu dựa trên ba loại tế bào Cone. Thế nhưng, thuyết này đã không thể lý giải được một số hiện tượng khác. Chẳng hạn, nó không giải thích được lí do các cặp màu đối có thể pha trộn thành màu xám. Bên cạnh đó, thuyết này cũng không giải thích được tại sao có hiện tượng lưu ảnh (after image).

OK, let’s goooo!

HIỆN TƯỢNG LƯU ẢNH (AFTER IMAGE)?

(Thí nghiệm tại H1)

Color 26

(H.1)

Sau khi nhìn chằm chằm vào màu sắc trong thời gian lâu, ta thấy tồn lại màu sắc kể cả khi đã nhìn ra nơi khác, nhưng màu tồn lại không giống với màu mà ta nhìn chằm chằm lúc đầu.

Đây cũng là một trong các hiện tượng thị giác được ứng dụng để tạo ảo ảnh, ảo giác. - Vậy, từ đâu có hiện tượng này? Và ta giải thích nó bằng cách nào?

Qua đây cũng đã chứng minh được rằng Trichomatic theory không giải thích hoàn chỉnh được cơ chế nhìn màu, cho tới khi Ewald Hering đưa ra lý thuyết xử lý đối nghịch (Opponent - process theory) vào năm 1892.

OPPONENT - PROCESS THEORY

Theo đó, opponent - process theory cho rằng hệ thống thị giác của con người diễn dịch thông tin về màu sắc bằng cách xử lý tín hiệu từ các Cone S-M-L, theo hình thức đối kháng (chỉ một trong hai cực chiếm ưu thế). Biểu đồ thể hiện mức độ phản ứng của các Cone với các bước sóng ánh sáng (H2)

Color 27

(H.2)

Những tín hiệu từ các Cone này không đi thẳng tới não bộ, mà trước đó qua một lớp filter lọc tín hiệu. Chính những filter này giải thích cho những bí ẩn mà ta có. Cụ thể, ta có ba loại filter (H3)

Color 28

(H.3)
  1. Filter #01: tín hiệu L đối kháng M (tương đương R đối kháng G)

Càng nhiều L, thì tín hiệu càng mang chiều dương; càng nhiều M, thì tín hiệu càng mang chiều âm. Khi L và M bằng nhau, tín hiệu bằng 0. Tạm coi cường độ từ L và M có đơn vị từ 0 đến 100.

Trong hai trường hợp cụ thể khi L=100, M=25; và khi L=75, M=0. Ta đều có kết quả đầu ra =75, não bộ cho ta thấy cùng một màu. Điều này lí giải tại sao không có màu “Đỏ-Lục”, “Đỏ hơi xanh lục” hoặc “Xanh lục hơi Đỏ”. Bộ não không thể thấy màu “Đỏ-Lục” vì filter đã loại trừ đi thông tin đối nhau giữa “Đỏ” và “Lục”.

Kết quả là Filter #01 cho ra kênh màu Red đối kháng với Green (một trong hai chiếm ưu thế)

  1. Filter #02: tín hiệu (L+M) đối kháng S (tương đương Y(=R+G) đối kháng B)

Filter này xảy ra khi L và M đồng thời được kích thích tương đương. Khi được kích thích tương đương nhau, tương tự như với hệ màu RGB, ta có L+M=R+G=(Y)ellow.

Kết quả là Filter #02 cho ra kênh màu Yellow đối kháng với Blue (một trong hai chiếm ưu thế)

  1. Filter #03: Đo lượng ánh sáng mà không quan tâm tới màu sắc

Hay còn gọi là độ bright (sáng) hay độ luminance (chói) theo lý thuyết màu sắc. Dựa theo đó, Opponent - process theory về cơ bản chia tín hiệu nhận được từ ba loại Cone thành 3 kênh đối nghịch, liên kết với nhau tạo nên ba cặp màu đối nhau:

Color 29

(H.4a) - (H.4b)
  • Red - Green (quyết định vật ta nhìn thấy có xu hướng Green hơn hay Red hơn) (H4.a)
  • Yellow - Blue (quyết định vật ta nhìn thấy có xu hướng Blue hơn hay Yellow hơn) (H4.b)
  • BlacK - White (quyết định vật ta nhìn thấy có xu hướng Black hơn hay White hơn)

Khi khớp biểu đồ từ H4.a và H4.b, ta sẽ có H5, trông rất giống một dải Spectrum rồi phải không?

Color 1

(H.5)

Đây chính là tín hiệu mà ta có được sau khi Mắt tiếp nhận thông tin, tín hiệu này sẽ qua lớp Filter chuyển đến nhận thức tại vỏ não và điều chỉnh một lần sau cùng.

Thông qua opponent-process theory, từ bốn tín hiệu màu sắc R-G,B-Y ta có thể tạo ra bất kỳ màu sắc nào khác (xét trên phương diện nhận thức). Từ đây, Ewald Hering đã cho ra đời một Color Wheel với 4 màu Primary dựa theo lý thuyết này, kéo theo đó là sự ứng dụng của chúng trong đời sống. (H6)

Color 30

(H.6)

KẾT

Vậy là cho tới đây ta có thể đưa ra kết luận rằng, màu sắc là kết quả xuất hiện trong mỗi chúng ta, khi các bước sóng ánh sáng kích thích 3 loại Cone S-M-L tạo thành 3 kênh tín hiệu K-W, R-G, Y-B gửi tới não.